Hoàng Hiếu Nhân - 'thần đồng' thơ cùng thế hệ Trần Đăng Khoa

Ngày đăng 19/02/2016 07:10

Nhà xuất bản Kim Đồng vừa tập hợp các bài thơ của Hoàng Hiếu Nhân, in thành cuốn Quả địa cầu. Sách phát hành nhân ngày Thơ Việt Nam lần thứ 14.

Hoàng Hiếu Nhân sinh năm 1959 tại Quảng Bình, mất năm 2014. Tám tuổi, cậu bé sinh ra tại tuyến lửa bắt đầu làm thơ. Mười tuổi, cậu đoạt giải Nhất cuộc thi sáng tác thơ thiếu nhi do báo Thiếu niên Tiền phong tổ chức. Những bài thơ của Hoàng Hiếu Nhân được nhiều người biết tới và yêu thích như Quả địa cầu, Con cò, Bọn trẻ quên em, Mặt trời, Nix xơn... Sự nghiệp thơ dừng lại khi Hoàng Hiếu Nhân lên học cấp ba, theo học các môn tự nhiên. Năm 1988 ông sang công tác tại Cộng hòa Belarus.

Hoàng Hiếu Nhân và tập thơ "Quả địa cầu" mới phát hành.

Chỉ 10 năm sáng tác nhưng đó là khoảng thời gian vụt sáng của một "thần đồng" thi ca. Nhà thơ Phạm Hổ, nhà phê bình Hoài Thanh từng có những bài bình thơ của Hoàng Hiếu Nhân trên báo Văn nghệ. Một tập thơ in chung của Hoàng Hiếu Nhân, Trần Đăng Khoa và một số nhà thơ nhỏ tuổi khác được dịch và phát hành ở Pháp. Những tên tuổi như Trần Đăng Khoa, Hoàng Hiếu Nhân, Chu Hồng Quý, Phan Thị Vàng Anh... được đánh giá làm bừng sáng nền thi ca Việt Nam giai đoạn 1964 - 1974.

Không giống Trần Đăng Khoa làm thơ từ khoảng không gian êm đềm là "góc sân và khoảng trời", Hoàng Hiếu Nhân mới tám tuổi đã phải xa gia đình, quê hương đi sơ tán tận Vĩnh Phúc. Nỗi thương nhớ mẹ của một cậu bé xa quê khiến cậu viết nên những dòng chữ mang vẻ đẹp nhiệm màu, vĩnh cửu: Không ai thương mẹ bằng mặt trời thương quả đất/ Đi suốt ngày vẫn chiếc hôn nóng rực/ Những chiếc hôn đêm tối vẫn ấm lòng. Quê hương Quảng Bình của Hoàng Hiếu Nhân hiện lên trong những dòng thơ thiết tha, đau đáu:Con cò cõng nắng sang sông/ Ngoại ra vườn cải tóc bông hóa vàng.

Ước mơ khám phá thế giới của cậu bé Hoàng Hiếu Nhân thể hiện trong bài Quả địa cầu. Bài thơ này sáng tác khi nhà văn Hoàng Bình Trọng tặng Hoàng Hiếu Nhân một quả địa cầu. Những vần thơ cho thấy sự háo hức khám phá: Trục này em vặn quay nhanh/ Em đi mấy lượt vòng quanh địa cầu/ Á, Âu, Phi, Mỹ, Úc châu/ Đất nào đẹp, nước nào giàu tìm xem...

Hoàng Hiếu Nhân dành tình cảm đặc biệt cho những chú bộ đội cụ Hồ, biểu tượng của người bảo vệ bình yên. Cậu bé mong lớn thật nhanh để được đi bộ đội: Áo anh cả, em mặc dài ngang mắt cá/ Quần anh cả, em mặc lên tận cằm/ Giày anh cả, em đi lọt thỏm bàn chân/ Ba lô anh cả, em mang không nổi/ Nhưng em vẫn là bộ đội/ Đi đều bước! Một hai... một hai!

Theo nhà thơ Mai Văn Hoan, Hoàng Hiếu Nhân là một trong hai "thần đồng" của thơ ca thiếu nhi Việt Nam đương đại. Ông nhận định: "Trong thơ Nhân vẫn còn rơi rớt những cách nói lên gân, triết lý... Song bằng tài năng thiên phú của mình, Hoàng Hiếu Nhân góp phần, dù rất khiêm tốn, làm nên diện mạo thơ ca thiếu nhi Việt Nam nói riêng và thơ ca chống Mỹ cứu nước nói chung".

Nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận xét thơ Hoàng Hiếu Nhân có ngôn ngữ chắt lọc, cấu tứ chặt chẽ, sắc sảo và thông minh. Trong cuốn Chân dung và đối thoại, Trần Đăng Khoa viết: "Trong số tác giả nhỏ tuổi thời ấy (những năm 1960), tôi rất quý Nhân. Nhân viết ít nhưng bài nào cũng hay, rất có nghề".

Bài thơ "Mặt trời" của Hoàng Hiếu Nhân viết năm 10 tuổi

Quả đất sinh ra mặt trời giữa biển khơi
Trên giường biển mặt trời đã mọc đầy râu đỏ
Mây trắng tặng mặt trời khăn quàng cổ
Mặt trời từ biệt mẹ lên đường.

Không ai thương mẹ bằng mặt trời thương quả đất
Đi suốt ngày vẫn chiếc hôn nóng rực
Những chiếc hôn đêm tối vẫn ấm lòng
Con không lặn bao giờ dù đêm tối mênh mông.

Đêm Trường Sơn mặt trời xuất hiện
Những chiếc xe mang con mắt mặt trời ra tiền tuyến
Những loạt đạn mang lửa mặt trời đốt máy bay
Những ánh mắt mang tia sáng mặt trời xuyên đêm dày
Những trái tim mang sức sống mặt trời đi tìm giặc.

Thương mẹ vô cùng nên mặt trời không bao giờ tắt.

Y Nguyên