Ngày thơ Việt Nam dành không gian cho thiếu nhi

Ngày đăng 18/02/2016 10:36

Ngày thơ Việt Nam lần thứ 14 diễn ra tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám vào Rằm tháng Giêng (tức ngày 22/2).

Không khí Ngày thơ Việt Nam các năm trước. Ảnh: Đoàn Minh Tiến.

Thông thường, sân thơ Thiếu nhi diễn ra ở Hồ Văn, phía bên kia đường Quốc Tử Giám. Năm nay, sân thơ này được đưa vào trong Văn Miếu, tại một trong hai sân khấu trung tâm của ngày hội.

Chương trình của thiếu nhi diễn ra ngay sau khi Ngày thơ khai mạc. Với chủ đề "Reo vang bình minh", nhiều bài thơ quen thuộc với thế hệ trẻ Việt Nam được trình bày. Tham gia Sân thơ Thiếu nhi có hai tác giả nhỏ tuổi Ý Nhi và Ngọc Chân - những gương mặt vừa đoạt giải cuộc thi sáng tác "Cây bút Tuổi hồng". Đan xen là những tiết mục ca nhạc, nghệ thuật do thành viên Câu lạc bộ Đọc sách cùng con - các học sinh Trung học phổ thông Kim Liên thực hiện.

ngay-tho-viet-nam-danh-khong-gian-cho-thieu-nhi-1

Các em nhỏ tập luyện cho sân thơ Thiếu nhi tại Câu lạc bộ Đọc sách cùng con.

Sân thơ trẻ tiếp tục là một trong những điểm nhấn của chương trình. 13 tác giả từ nhiều miền Tổ Quốc được tham gia sự kiện. Đạo diễn chương trình là nhà thơ Hữu Việt cho biết nội dung sân thơ sẽ triển khai theo hướng nhấn mạnh cá tính, phong cách, dấu ấn của mỗi tác giả.

Ở sân khấu truyền thống, một liên khúc thơ về biển đảo - biên cương sẽ được bốn tác giả tên tuổi trình bày gồm: Trần Đăng Khoa, Nguyễn Việt Chiến, Anh Ngọc và Nguyễn Hữu Quý.

Ngoài ra, Ngày thơ còn dành không gian để trưng bày và thả thơ nhằm tôn vinh những nhà thơ trưởng thành trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp như: Tố Hữu, Chính Hữu, Hữu Loan, Thâm Tâm, Quang Dũng...

Ngày thơ Việt Nam ở TP HCM có nhiều hoạt động sôi nổi, kéo dài từ ngày 20-22/2 (tức ngày 13-15 tháng Giêng).

Chương trình đầu tiên diễn ra vào 9h ngày 20/2 tại trụ sở Hội Nhà văn TP HCM. Tại buổi này diễn ra hội thảo "Sức sống thi ca đô thị". Có hơn 20 bản tham luận của các nhà lý luận phê bình, nhà thơ được trình bày như: Đoàn Lê Giang, Triệu Từ Truyền, Nguyễn Vũ Tiềm, Lệ Bình, Trần Hữu Dũng, Vũ Trọng Quang, Lê Minh Quốc, Ánh Huỳnh, Trần Hoài Anh, Lê Thiếu Nhơn, Nguyễn Vũ Quỳnh... Hội thảo chủ yếu tập trung nhìn lại đời sống thi ca của thành phố năm năm qua. Nhà thơ Phan Hoàng sẽ chủ trì hội thảo.

Nhà thơ Lê Thùy Vân tại Ngày thơ Việt Nam ở TP HCM vào năm 2009.

Nhà thơ Lê Thùy Vân tại Ngày thơ Việt Nam ở TP HCM vào năm 2009. Ảnh: Thoại Hà.

Vào 19h ngày 21/2, lễ khai mạc Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 14 diễn ra tại khuôn viên trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP HCM. Chương trình gồm nhiều tiết mục trình diễn kịch thơ, đọc thơ, ngâm thơ của nhiều tác giả, trong đó thơ trẻ là chủ yếu. Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu và nhà văn Trần Nhã Thụy phối hợp Ban Nhà văn trẻ dựng kịch bản, thực hiện chương trình này. Trước đó, sáng cùng ngày, các sân thơ trẻ, lều thơ của nhiều câu lạc bộ quận huyện cũng được dựng lên ở không gian này. Mỗi lều thơ được dựng với nhiều hình thức và sẽ được ban tổ chức chấm giải như mọi năm.

Vào 15h chiều 22/2, tại hội trường D2 Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM (ĐH KHXH & NV) diễn ra chương trình giao lưu thơ giữa các nhà thơ tiêu biểu với giảng viên, sinh viên yêu thơ của Khoa Văn học và ngôn ngữ. Buổi này có sự góp mặt của các tác giả: Phạm Sỹ Sáu, Lê Thị Kim, Đặng Thị Thanh Hương, Nguyễn Vũ Tiềm, Tiểu Quyên, Nguyễn Phong Việt, Nồng Nàn Phố... Nhà thơ Phan Hoàng và tiến sĩ Đoàn Lê Giang sẽ điều khiển chương trình. Ông Phan Hoàng là phó Chủ tịch Hội nhà văn, Chủ tịch Hội đồng Thơ. Còn Tiến sĩ Đoàn Lê Giang là Trưởng khoa Văn học và ngôn ngữ ĐH KHXH & NV.

Y Nguyên - Thoại Hà