Alejandro Inarritu (phim The Revenant)
Tại Quả Cầu Vàng 2016, đạo diễn người Mexico - Alejandro Inarritu - đã được tôn vinh tại hạng mục “Đạo diễn xuất sắc”, trong khi “đứa con tinh thần” của ông là The Revenant ẵm giải “Phim chính kịch hay nhất”. Mới một năm trước, Inarritu là người nhận Oscar dành cho đạo diễn với tác phẩm Birdman. Những yếu tố này giúp ông trở thành ứng cử viên hàng đầu năm nay.
Bộ phim The Revenant tạo ấn tượng mạnh không chỉ bởi đẳng cấp diễn xuất của Leonardo DiCaprio và Tom Hardy mà còn nhờ bàn tay đạo diễn của Inarritu. Nhà làm phim theo chủ nghĩa cầu toàn này đã đặt ra nhiều yêu cầu khắt khe với đoàn phim tới mức nhiều thành viên phải xin nghỉ việc. Ông kiên quyết sử dụng ánh sáng tự nhiên khi quay The Revenant, đồng thời yêu cầu các diễn viên tham gia tối đa vào các cảnh quay và hạn chế sử dụng người đóng thế. Yêu cầu quay phim trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của Inarritu gợi nhớ tới sự cực đoan và duy mỹ của nhà làm phim người Đức - Werner Herzog.
Inarritu từng khẳng định: “The Revenant là cách tôi thể hiện sự tôn trọng tới những bậc thầy làm phim trong quá khứ. Những người đã rời bỏ đoàn làm phim giống như những tiếng violin lạc nhịp mà với tư cách nhạc trưởng, tôi cần phải loại bỏ họ. Bộ phim là về sự sinh tồn và dĩ nhiên, chúng tôi có thể ngồi yên vị bên phông màn xanh để nhấm nháp cafe một cách thoải mái. Nhưng nếu làm vậy thì chắc chắn bộ phim là một thứ phế phẩm”.
George Miller (phim Mad Max: Fury Road)
Ở tuổi 70, đạo diễn George Miller mới có đề cử Oscar đầu tiên. Tuy nhiên, ông được xem là đối thủ lớn nhất trên con đường tới vinh quang của Inarritu tại Oscar 2016. Lý do đầu tiên là bởi ban giám khảo Viện Hàn Lâm hoàn toàn có thể trao giải cho Miller như một sự bù đắp vì đã ghi nhận ông quá muộn. Lý do thứ hai là Miller hoàn toàn xứng đáng với một giải Oscar sau những gì mà Mad Max: Fury Road đem tới cho khán giả. Cả tạp chí danh tiếng Forbes lẫn trang Indiewire đều đặt cược vào khả năng Miller được vinh danh vào tối 28/2.
Thông thường, một bộ phim hành động như Mad Max: Fury Road hiếm khi được tôn vinh tại một giải thưởng hàn lâm như Oscar. Tuy nhiên, chính sáng tạo của Miller trong dàn dựng các cảnh hành động được quay thật giữa thời điểm Hollywood đang quá lạm dụng kỹ xảo CGI và phông xanh khiến sản phẩm gây chú ý. Các cảnh quay rượt đuổi gấp gáp trong sa mạc của Mad Max: Fury Road khiến khán giả phải trầm trồ, thán phục. Để đem tới những cảnh quay cận chân thực ở tốc độ cao, Miller đã ngồi trên một chiếc xe cùng một tài xế và hai người quay phim để theo sát, ghi lại mọi diễn biến. Đẳng cấp của George Miller vừa được khẳng định khi ông mới được chọn làm chủ khảo tại Liên hoan phim Cannes 2016.
Lenny Abrahamson (phim Room)
Sau khi tạo được ấn tượng với Frank (2014), đạo diễn Lenny Abrahamson tiếp tục khiến những người yêu điện ảnh phải nhắc tới mình với Room (2015). Bộ phim có kinh phí chỉ 6 triệu USD này là một trong những phim tâm lý hay nhất năm qua và được bốn đề cử Oscar. Room kể về hai mẹ con bị giam cầm trong một căn phòng suốt nhiều năm, trước khi tìm được tự do. Nhưng từ đây, họ lại gặp phải những nỗi khổ mới khi tìm cách hòa nhập với cuộc sống bình thường.
Room được dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của Emma Donoghue và được giới phê bình nhận xét là “Hiếm có tác phẩm chuyển thể nào theo sát và giữ được nguyên cái hồn của nguyên tác như vậy”. Thành công ấy có được nhờ Lenny Abrahamson, khi ông khéo léo bám sát nguyên tác và giúp hai diễn viên Brie Larson cùng Jacob Tremblay có thể phát huy tối đa khả năng.
Abrhamson cho biết: “Tôi cố gắng không trở thành kẻ chen giữa nhân vật và khán giả. Nhưng dường như khán giả vẫn nhận ra những nỗ lực của tôi. Việc làm ra một phim như Room là rất khó khăn và thành bại đều dựa trên quan hệ giữa đạo diễn với diễn viên và những thành viên tổ kỹ thuật. Do vậy, tôi cảm thấy vinh dự khi được đề cử Oscar”.
Tom McCarthy (phim Spotlight)
Cùng The Big Short, Spotlight là một trong hai ứng viên sáng giá cho danh hiệu “Phim hay nhất”. Tác phẩm quy tụ những ngôi sao như Mark Ruffalo, Michael Keaton, Rachel McAdams được dựa trên một câu chuyện có thật tại Mỹ. Tổ điều tra của tờ The Boston Globe đã tham gia điều tra các cáo buộc về lạm dụng tình dục trẻ em và dẫn tới một sự thật kinh hoàng. Tờ Washington Post nhận xét: “Sẽ không quá lời nếu từ bây giờ, chúng ta xếp Spotlight bên cạnh Citizen Kane hay All the President’s Men trong ngôi đền của những phim hay nhất về nghề báo”.
Đạo diễn Tom McCarthy được xem như nhân tố đứng đằng sau thành công ấy, khi ông vừa dẫn dắt khán giả theo hành trình điều tra ly kỳ như một phim trinh thám, lại vừa mang tới đất diễn cho các diễn viên. Tại lễ trao giải SAG của Hiệp hội Diễn viên Mỹ, Spotlight đã được trao giải “Dàn diễn viên xuất sắc” với công lớn đến từ McCarthy.
Sau khi xem Spotlight, đối thủ của chính McCarthy tại hạng mục “Đạo diễn xuất sắc” là Lenny Abrahamson cũng phải ca ngợi: “Câu chuyện phim đầy tính thuyết phục và xuyên suốt. Tom đã làm chủ dòng chảy thông tin và khiến nó trở nên hấp dẫn. Đó là việc không hề dễ dàng và tôi thấy rất vui khi anh ấy cũng được đề cử”.
Adam McKay (phim The Big Short)
Adam McKay vốn được biết tới là một đạo diễn và nhà biên kịch phim hài (thường xuyên cộng tác với Will Ferrell). Một trong những phim thành công nhất mùa hè qua là Ant-Man do chính ông viết kịch bản. Tuy nhiên dấu ấn thực sự của Adam trong năm 2015 phải là The Big Short - tác phẩm tái hiện thời kỳ khủng hoảng tài chính cuối thập kỷ trước và những con người đã nhìn ra mầm mống hiểm họa này từ trước đó.
Điểm thú vị của The Big Short là chỉ trong 20 phút đầu tiên, Adam McKay đã phổ biến kiến thức căn bản về tài chính, khủng hoảng bong bóng tín dụng, bối cảnh dẫn tới cuộc khủng hoảng... cho khán giả theo cách đơn giản nhất có thể.
Dù nhiều người từng khuyên McKay nên bỏ 20 phút đó đi vì nó quá khó để làm, ông kiên quyết theo đuổi ý tưởng bởi “đó là cội rễ của cả bộ phim”. Kết quả là The Big Short được xem như “lời giải thích bằng hình ảnh tốt nhất về cuộc khủng hoảng tài chính” theo tờ New York Times, trong khi McKay được đề cử Oscar “Đạo diễn xuất sắc” lần đầu tiên trong sự nghiệp.
Thịnh Joey