Ông Chương đã được đề bạt một công việc mới gần thành phố Cà Mau, gần mũi cực Nam của đất nước, cách Hà Nội phồn hoa đô hội nhiều ngàn cây số. Đó là một chức vụ nổi bật trong chính quyền thực dân Pháp. Mặc dù được thăng chức có nghĩa là phải xa rời những thú vui trần thế ở Thủ đô Hà Nội, lên tới chức vụ cao như thế là một thành tựu nghề nghiệp phi thường đối với một người Việt bản địa.
Chỉ có một mất mát nho nhỏ: con gái thứ hai của ông Chương, bé Lệ Xuân, sẽ bị bỏ lại. Như một tờ biên lai ở phòng giữ đồ, Lệ Xuân là vật trao đổi giữa cha và ông nội cô. Đó là một cách biểu hiện tấm lòng hiếu thảo đối với cha mẹ ông và là bằng chứng về ý định trở lại của ông, nhưng thật ra nó không gì hơn là một cử chỉ tượng trưng để làm mẹ ông hạnh phúc. Nếu việc giữ đứa bé là một ơn huệ đối với bà, đó là một cái giá không lớn gì mấy.
Một khóm những ngôi nhà mái ngói đỏ vây quanh một cái sân làm nên cơ ngơi nhà họ Trần không phải là nơi tồi để một bé gái lớn lên. Vị tộc trưởng, ông nội của Lệ Xuân, là một đại địa chủ, và mỗi người trong gia đình ông đều giống như một nhân vật lừng lẫy ở địa phương, trong vùng quê xanh tươi của miền Bắc Việt Nam. Bà của Lệ Xuân là người có học vấn cao, đó là một ngoại lệ đối với một phụ nữ Việt Nam ở thời đại và tuổi tác của bà. Thậm chí khi đã già, và thị lực đã giảm sút, bà vẫn tiếp tục đọc nhiều đoạn văn chương Việt Nam kinh điển, hoặc nghe người khác đọc chúng.
Bà Trần Lệ Xuân. |
Những câu chuyện Việt Nam đầy ắp hình tượng những phụ nữ mạnh mẽ, thông minh, và kiên quyết, nhưng chúng không phải lúc nào cũng có một kết cục đẹp. Phải chăng chính ở đây bé Lệ Xuân đã được nghe những đoạn Truyện Kiều, một tuyệt tác trường thi Việt Nam được yêu thích và trích dẫn nhiều – câu chuyện về một thiếu nữ con nhà danh giá, tài sắc kiêm toàn? Đố kỵ với nàng, định mệnh đã bức bách nàng từ bỏ tình yêu đích thực của đời mình và tự bán thân làm kỹ nữ để chuộc cha khỏi chốn lao tù. Kiều đã vùng vẫy trong một thế giới bất công, nhưng nàng vẫn là hình tượng của sự vẹn toàn và chính trực. Không chỉ là một nữ nhân vật bi kịch đơn thuần, nàng tượng trưng cho dân tộc Việt, bị kẹt cứng giữa sự suy đồi đạo đức trong cơn biến động chính trị. Mặc dù câu chuyện đã có hàng trăm năm tuổi, năm 1924, năm Lệ Xuân chào đời, Kiều đã được trang trọng vinh danh là nhân vật văn hóa quốc gia. Người phụ nữ như là nạn nhân đã chính thức trở thành nhân vật được yêu thích nhất.
Bà nội của Lệ Xuân tất nhiên không coi mình là nạn nhân của bất kỳ cái gì cả. Bà chủ trì một gia đình rộng lớn gồm bà và hai người vợ khác và con cái của tất cả họ. Ngoài con trai cả của bà, ông Chương, bà đã sinh cho chồng ba con trai và hai con gái nữa, sau đó bà tự coi như đã hoàn thành mọi nghĩa vụ làm vợ của mình. Để dứt khoát rõ ràng về điểm này, bà đơn giản đã kê một chiếc gối ôm giữa giường ngủ của hai vợ chồng. Bà cũng là người đã giới thiệu vợ hai cho chồng, bà này đã sinh cho ông thêm bảy người con nữa. Để đề phòng người vợ hai giành lấy quá nhiều quyền hành, bà đã đưa về cô vợ thứ ba cho ông. Mỗi một người vợ và con cái họ có một vị trí nhất định trong thứ bậc tôn ti gia đình. Kỹ năng của bà, vị nữ chúa, thể hiện trong việc chưa từng có ai trong số họ ra mặt chống đối lẫn nhau.
Ngôi nhà của ông bà nội Lệ Xuân là nơi lý tưởng để quan sát những vai trò rời rạc và mâu thuẫn nhau của những phụ nữ Việt Nam, đặc biệt là thành viên của tầng lớp tinh anh. Tất nhiên, có một sự nhấn mạnh rõ ràng về những quy tắc hành xử theo Khổng giáo. Những bà vợ và con dâu có bổn phận tỏ ra vâng lời và phục tùng. Nhưng đằng sau những cánh cửa đóng kín của tòa nhà, một thực tại khác lấn thế. Những vấn đề thực tế, như ngân sách gia đình, được phó mặc cho phụ nữ. Một điều được ngầm hiểu, nếu không được bàn tới, là phụ nữ nắm giữ thực quyền trong gia đình. Nếu gia đình là một quốc gia, người chồng sẽ là Quốc trưởng trên danh nghĩa, phụ trách các mối quan hệ ngoại giao. Người vợ sẽ là Bộ trưởng Nội vụ và kiểm soát ngân khố.
Ban đầu, việc giáo dưỡng hàng ngày bé Lệ Xuân được giao phó cho các bảo mẫu. Ngay cả người giúp việc trong nhà cũng hiểu địa vị thấp kém của đứa trẻ mà họ trông nom, vì vậy chủ yếu họ bỏ mặc cô bé. Những bảo mẫu giao Lệ Xuân cho những người làm vườn chơi đùa như một món đồ chơi. Cũng thật tình cờ mà những người làm vườn tại đây là những tên trộm và du côn vặt vãnh ở địa phương và đã bị tòa phạt vạ bằng lao động công ích cho cộng đồng hay là cho người đứng đầu cộng đồng, chính là ông nội của cô. Cô lẽo đẽo theo chân họ khi họ chăm sóc những con vật. Đôi lúc cô thậm chí đã tắm rửa giữa đàn gia súc.
Trong vòng một năm sau khi cha mẹ rời đi, cô gái bé nhỏ ngã bệnh gần chết. Bà Nhu luôn luôn nói rằng cha mẹ không bao giờ đoái hoài chi đến mình, nhưng bà thừa nhận rằng ông bà Chương đã trở về từ nhiệm sở mới ở vùng cực Nam ngay khi họ nghe tin. Đó không thể nào là một chuyến đi dễ dàng. Thời bấy giờ chưa có đường xe lửa kết nối cả nước, và khoảng cách giữa các tỉnh là quá xa xôi để đi đường bộ. Phương tiện di chuyển hiển nhiên nhất giữa miền Nam và miền Bắc là tàu hơi nước dọc bờ biển. Trong mười ngày đêm, bé Lệ Xuân lơ lửng giữa sự sống và cái chết.
Khi đã về đến nhà, mẹ của Lệ Xuân không để bé rời khỏi lòng bà. Nhưng việc đó, ít ra như cách hiểu của cô về sau này, không phải vì tình yêu, hay thậm chí sự quan tâm với đứa con gái thứ. Đó là một lời trách cứ nhắm vào bà nội. Trên vũ đài chính trị khốc liệt của gia đình, đứa trẻ bệnh hoạn đã trở thành một lợi khí sắc bén của thiếu phụ Chương đối với mẹ chồng bà.
Lệ Xuân đã hồi phục sức khỏe. Cô vẫn cứ gầy gò trong suốt thời thơ ấu, nhưng những gì thể chất khiếm khuyết, cô đã gắng bù đắp lại hoàn toàn bằng ý chí. Lệ Xuân cần phải trở nên gai góc. Bệnh tật thời thơ ấu của Lệ Xuân khiến mẹ cô ngờ vực con gái giữa của bà hơn bao giờ hết. Trước khi bà ra đi, Lệ Xuân là một hài nhi tóc đen nhánh với đôi má bầu bĩnh. Bé gái da bọc xương, đôi má hõm sâu bà gặp lúc về nhà có thể dễ dàng là con của một người hầu trong gia đình hay một nông dân trong vùng. Nỗi nghi ngờ con mình bị đánh tráo đã giày vò bà Chương suốt phần đời còn lại của mình. Hai đứa trẻ kia biết điều này và đã lợi dụng nó để trêu chọc người chị em của chúng là con của bà bảo mẫu. Và bà Chương đã dùng điều đó như một lý cớ để tự tha thứ cho mình vì đã không yêu con gái giữa như hai đứa trẻ kia. Khi lớn lên, cô gái nhỏ thấy mình như thể "vật nhắc nhở phiền hà đối với mẹ cô, một đối tượng của sự ngờ vực bệnh hoạn [và] xung đột trong gia đình".
(Trích sách Madam Nhu Trần Lệ Xuân - Quyền lực Bà Rồng)