Gia đình ông Chương đã trở lại Hà Nội trước sinh nhật thứ tám của Lệ Xuân. Cha cô đã được bổ nhiệm vào luật sư đoàn Hà Nội, công việc sáng giá nhất mà một luật sư Việt có thể nhắm tới trong chế độ thực dân. Mặc dù là một vinh dự, đó cũng là lời nhắc nhở về những sự lựa chọn hạn hẹp có thể có được ngay với một người Việt học thức nhất.
Sau bảy năm ở vùng thôn quê miền Nam, Hà Nội là một thành phố lạ lẫm với Lệ Xuân. Người ta nói chuyện bằng cái giọng đầy hơi gió kiểu cách. Họ nhấn những tiếng trầm bằng những cú ngắt nghỉ nặng nề trong khi người miền Nam chỉ cần nói lướt qua. Thức ăn thì kém ngọt hơn. Không còn có những khoanh dứa hoặc xoài nổi bồng bềnh trong bát canh, món dùng với cơm trong hầu hết các bữa ăn nữa. Mỗi lần Lệ Xuân cắn một thứ gì, kể cả thứ cô nghĩ mình biết, cô vẫn phải thận trọng. Những cuộn chả giò giòn rụm ở miền Nam, được gọi là nem ở Hà Nội, và nước chấm của chúng ở miền Bắc có vị cay khác hẳn, vị cay của hạt tiêu đen làm nhột nhạt sóng mũi cô thay vì sức ấm nóng lan tỏa của quả ớt ở miền Nam.
Bà Trần Lệ Xuân. Ảnh tư liệu. |
Ở Hà Nội, Lệ Xuân cảm thấy lạc lõng kỳ lạ vì một lý do khác: để tránh né những hệ lụy rắc rối về chủng tộc trong một thành phố đông đúc là việc khó khăn thậm tệ. Trong chừng mực nào đó, sự giàu có và vị thế ưu tú của gia đình ông Chương giảm nhẹ sự kỳ thị ắt hẳn khốc liệt của một thành phố thực dân. Ngôi nhà của họ, số 71 đại lộ Gambetta, là một trang viên uy nghi, cao và hẹp với mái hai mảng, những căn phòng có đầu hồi, và cửa sổ trên mái. Trông nó cũng giống những ngôi nhà khác trong khu vực của họ, nhưng hầu hết thuộc về các gia đình Pháp. Thật ra, cả khu này được biết đến như là phố người Pháp. Vào cuối thế kỷ mười chín, các nhà quy hoạch đô thị thuộc địa đã san lấp đầm lầy và tạo ra những đại lộ thênh thang che bóng bởi những hàng me. Một du khách người Anh đến Hà Nội đã miêu tả cái phong cảnh mà ắt hẳn là điều Lệ Xuân cảm thấy vào năm 1932: “Những ngôi biệt thự hoàn toàn Pháp, trơ gan cùng gió dập mưa vùi... và nếu không vì những cây cọ, giàn bông giấy... ta có thể ngỡ đang đứng giữa một khu ngoại ô dễ thương nào đó ở Paris".
Lệ Xuân chỉ nhìn thấy đời sống đô thị Việt Nam khi được chở ngang qua thành phố - hoặc từ đằng sau cửa kính một chiếc Mercedes hoặc từ chiếc càng xe xích lô, một cỗ xe hẹp, mui trần lăn bánh bởi guồng đạp pê-đan của một người hầu. Việc len lỏi qua mớ bòng bong lộn xộn của ba mươi sáu phố phường mệnh danh Phố Cổ nằm về phía tây bắc nhà ông Chương sẽ dễ dàng hơn nhiều với một chiếc xích lô. Những ngôi nhà truyền thống dựng bằng vách đất và mái rơm. Những ngõ hẹp ngoài sức tưởng tượng nối liền các ngôi nhà, tạo ra một mê cung thật sự. Đằng sau những ô cửa tối ám, những người thợ thủ công cặm cụi với công việc từ tinh mơ đến tối trời, dệt lụa, dát bạc, hoặc đan lọng, với cùng những thao tác hệt như cha ông họ. Những tiệm mì vỉa hè và những hàng quán tỏa mùi thơm nghi ngút không gian.
Mặc dù Phố Cổ cách nơi Lệ Xuân sống không đầy một cây số, giữa chúng là cả một vực thẳm ngăn cách. Người khá giả có thể ở trong những ngôi nhà gỗ mái ngói, nhưng số khác với nơi nương tựa kém vững vàng hơn, phải khốn khổ với những cơn mưa xối xả mùa hè và cái rét cắt da mùa đông. Cuộc Đại suy thoái càng khiến cho điều kiện sinh sống của người Việt ở Hà Nội thêm căng thẳng. Những nông dân rời bỏ miền quê lên thành phố tìm kiếm cơ hội để rồi chẳng được gì. Những cống rãnh lộ thiên và những khu nhà ổ chuột mở rộng ra ngoại vi thành phố. Bạo lực tràn ngập giữa những kẻ bất mãn.
Bé Lệ Xuân tám tuổi đã có một trải nghiệm khác về sự bất công thời thực dân. Cô học một ngôi trường Pháp cùng với trẻ em Pháp và nói tiếng Pháp với cha mẹ ở nhà. Ông bà Chương và số ít người Việt có điều kiện như họ đã tham gia vào những trò tiêu khiển Tây phương, như môn tennis và thậm chí yoyo. Phụ nữ bắt chước mốt thời trang Paris; những áo cánh cổ thuyền mời gọi một cái liếc trộm vào làn da mềm mại bên dưới xương đòn, và khuôn phép lịch sự đã không còn đòi hỏi phụ nữ phải nai nịt ngực quá chặt. Phấn hồng, son môi, và nước hoa trở thành mốt thịnh hành. Cuộc sống xa hoa là một bàn tiệc thịnh soạn chảy tràn sâm banh Pháp và nhạc swing rộn rã.
Lệ Xuân muốn hòa hợp với môi trường mới mẻ xung quanh mình, nhưng bằng cách nào? Người bạn thân thiết nhất từ thời thơ ấu của Lệ Xuân cũng là một kẻ ngoài cuộc lạc lõng, một cô gái người Nhật. Nỗi bất hạnh chung của họ đã tạo nên một mối quan hệ lâu bền, và họ vẫn còn giữ liên lạc với nhau suốt đời. Hầu hết những người Việt khác mà Lệ Xuân thường nhìn thấy thuộc vào số hai mươi người làm công trong gia đình, bao gồm đầu bếp, tài xế, bảo mẫu, và người làm vườn. Cô gái nhỏ hiểu biết lịch sử Pháp khá tường tận để biết rằng con đường nhà cô, một trục lộ chính chạy từ đông sang tây xuyên qua thành phố, được đặt tên theo Leon Gambetta, một chính khách Pháp thế kỷ mười chín tin rằng thanh thế của nước Pháp trên thế giới xoay quanh chủ nghĩa thực dân hung hăng - trong việc đi xâm lược các dân tộc và đất đai. Người Pháp có mặt ở Việt Nam từ thập niên 1860, và bảy thập niên hiện diện của Âu châu trên mảnh đất này chẳng là gì so với lịch sử một ngàn năm Bắc thuộc của Việt Nam; dù thế nào đi nữa, sự bất công thời thực dân đối với bé Lệ Xuân là một thực tế của cuộc sống.
Thực vậy, người Pháp ngăn cấm dùng từ “Việt Nam” vốn ngụ ý sự thống nhất của một quốc gia. Để giữ cho quyền lực thực dân không bị sứt mẻ, người Pháp đã kìm hãm không cho Việt Nam trở nên quá mạnh - vì vậy họ đã dùng thủ đoạn chia ra để cai trị. Chính quyền của quốc gia được chia làm ba phần: miền Bắc (Bắc Kỳ) và miền Trung (An Nam) là những lãnh thổ thuộc chủ quyền của người Việt trên danh nghĩa, hoặc lãnh thổ bị bảo hộ, của Pháp. Phần phía nam giàu tài nguyên của quốc gia, Nam Kỳ, được cai trị trực tiếp bởi chế độ thực dân. Từ thuộc địa này người ta cắt ra những khu đất rộng lớn để sản xuất lúa gạo, cao su, và những sản vật giá trị khác. Để tài trợ cho chính quyền thực dân, nhà nước Pháp dựa vào lợi tức từ những mặt hàng độc quyền mà nó kiểm soát: muối, rượu, và đặc biệt là thuốc phiện. Người Pháp biết rõ thuốc phiện nguy hiểm thế nào, nhưng họ cũng biết sự nghiện ngập có thể mang lại lợi nhuận to lớn ra sao. Họ mở những trung tâm buôn bán thuốc phiện trong mọi ngôi làng. Những làng nào không đáp ứng chỉ tiêu doanh số của họ sẽ bị trừng phạt.
Sự thịnh vượng ở vùng thuộc địa Đông Dương có một mặt khuất tăm tối. Có những câu chuyện về những gia đình trong làng buộc phải bán con để trả những khoản thuế hà khắc. Điều kiện làm việc trong những xí nghiệp do người Pháp điều hành, trong những hầm mỏ, hoặc trên những đồn điền cao su là địa ngục trần gian đối với những công nhân Việt Nam. Bệnh sốt rét và dịch tả hoành hành tràn lan, và chỉ có vừa đủ gạo để bù đắp cho những ngày làm việc mười hai tiếng ròng rã. Một công nhân tại đồn điền Michelin đã chứng kiến quản đốc người Pháp gọi những tên lính tới trừng trị bảy người muốn bỏ trốn; ông ta “bắt những người bỏ trốn nằm phục xuống đất và khiến những tên lính chân mang bốt tán đinh giẫm đạp lên xương sườn họ. Đứng bên ngoài tôi có thể nghe thấy tiếng xương gãy răng rắc". Người ta kể rằng những ông chủ xí nghiệp thường nhốt con của công nhân trong những chiếc cũi tối tăm và chỉ trả chúng về vào cuối ngày làm việc cho những công nhân mình mẩy lấm lem dơ dáy.
Lợi nhuận không phải là động cơ duy nhất khuyến khích người Pháp tin rằng những nguồn tài nguyên thiên nhiên ở Đông Dương là của họ để chiếm lấy. Họ tin rằng người Việt Nam thấp kém hơn về mặt sinh học. Người Pháp gọi người Việt Nam, bất kể đến từ vùng nào, là Annamite. Từ này bắt nguồn từ tiếng Trung Quốc, nhưng với người Pháp nó nghe rất giống như une mite, nghĩa là sâu bọ hoặc kẻ ăn bám. Một từ khác họ dùng để chỉ người Việt, bất kể thuộc giai cấp nào, là nhà quê, hoặc nông dân. Một cư dân thành thị có học thức sẽ nổi giận trước cái lối mô tả này, nhưng những người thận trọng và những người giống như cha của Lệ Xuân, vốn có quá nhiều thứ để mất, không dám thể hiện sự bất mãn của họ.
Gia đình ông Chương không tham gia vào bất kỳ hoạt động chống Pháp công khai nào - ít ra đến thời điểm này. Cuộc sống của họ quá sung túc để mạo hiểm. Nhưng ngay cả như thế họ vẫn có thể thấy rằng chế độ thực dân đang bị thách đố gay gắt. Thời điểm gia đình ông Chương quay lại Hà Nội trùng hợp với thời điểm sau khi xảy ra khởi nghĩa Yên Bái, cuộc bạo loạn ghê gớm nhất vùng mà người ta từng chứng kiến trong thời Pháp thuộc. Tháng Hai năm 1930, một nhóm người Việt theo chủ nghĩa dân tộc (Việt Nam Quốc Dân Đảng - VNQDĐ) đã tấn công một bốt đóng quân ở miền Bắc Việt Nam, giết chết những sĩ quan Pháp trú đóng ở đó và chiếm một kho vũ khí. Để giữ vững quyền lực của mình, người Pháp phản ứng bằng một cuộc phô trương uy vũ với ý định làm cho người Việt sợ hãi mà khuất phục trở lại. Chính quyền thực dân kiểm soát chặt chẽ những kẻ bị nghi ngờ phiến loạn, chém đầu những ai họ bắt được, và ném bom vào những đám đông tụ tập và những ngôi làng khả nghi.
Phần 1, phần 2, phần 3, phần 4, còn tiếp...
(Trích sách Madam Nhu Trần Lệ Xuân - Quyền lực Bà Rồng)