Cuốn sách Madam Nhu Trần Lệ Xuân - Quyền lực Bà Rồng về cuộc đời bà Trần Lệ Xuân (bà Nhu, 1924-2011) vừa ra mắt độc giả. Bà Trần Lệ Xuân là vợ của ông Ngô Đình Nhu, cố vấn chính quyền ở miền Nam Việt Nam trước đây.
Nhân dịp sách phát hành, VnExpress trích đăng chương ba và chương bốn của cuốn sách dày 16 chương này. Các phần trích đăng do tòa soạn đặt tên.
Phần 1:Cuộc vượt cạn của người mẹ hoàng tộc
Càng tìm hiểu về những năm thiếu thời của bà Nhu, ánh hào quang của quá khứ gia đình bà càng kém vẻ lộng lẫy. Những gương mặt tươi cười của đôi vợ chồng già nua trong bức hình trên một tờ báo ở Washington năm 1986 thật khó lòng hòa hợp với bức chân dung u ám của ông bà Chương vốn đã xuất hiện. Những mảnh ghép hồi ức "khốn khổ" về thời thơ ấu của bà Nhu gắn lại đúng chỗ khi tôi hiểu rằng không ai, tất nhiên ngoài song thân của bà, từng mảy may nghĩ đến việc một ngày nào đó bé gái nhỏ xíu này, chào đời trong một bệnh viện Hà Nội vào ngày 22 tháng 8 năm 1924, rốt cuộc sẽ trở thành một cái gì đó quan trọng.
Một ca sinh nở truyền thống sẽ diễn ra tại nhà với một bà mụ, người sẽ nói rằng sinh linh này không sẵn lòng để chào đời vì lẽ đứa bé nằm ngôi ngược, vì vậy mà không chịu trượt xuống ống sinh. Bà sẽ phản đối kẹp forcep, những dụng cụ nhỏ bé và khoa học hiện đại, như là sự can thiệp vào thiên ý. Một bà mụ sẽ bỏ mặc cho đứa bé, xanh xao yếu ớt, câm nín, và bất động, quay trở về bất luận giao lộ nào nằm đâu đó giữa thiên đường và trần thế dành cho những linh hồn chưa được đầu thai lang thang phiêu dạt.
Bìa sách về chân dung bà Trần Lệ Xuân. Sách do Công ty Sách Phương Nam liên kết với Nhà Xuất Bản Hội Nhà Văn ấn hành. |
Nhưng không có bà mụ nào trong ngày hôm đó cả. Đứa bé sẽ là một bé trai. Người mẹ chắc chắn điều đó đến độ bà đã thu xếp việc sinh nở trong bệnh viện. Bà đã trải qua nỗi khủng khiếp của cơn đau đẻ kéo dài, biết rằng điều đó xứng đáng - vì một đứa con trai.
Vị bác sĩ người Pháp có lẽ đã lo sợ sẽ bị khiển trách nếu có điều gì bất thường xảy ra. Đó là lần đầu tiên ông đỡ đẻ một em bé Việt kể từ khi ông đặt chân đến Đông Dương, nhưng đây là một ca đặc biệt.
Người thiếu phụ đầm đìa mồ hôi và máu đang nằm trên bàn là bà Chương, công chúa Nam Trân, một thành viên của hoàng gia.
Nhan sắc tuyệt mỹ của người con gái mười bốn tuổi này thật là hiếm hoi đến độ về sau nhờ đó bà đã giành được một tấm huân chương phong tặng bởi những người Pháp say mê bà, những người đã đặt cho bà biệt danh “Viên ngọc trai Á châu". Mặc dù được dạy về nghệ thuật nội trợ, cũng như ca hát và thêu thùa, bà không bao giờ cần động đến dù chỉ một ngón tay mảnh dẻ, ngoại trừ để rung chuông gọi người hầu. Nhiệm vụ quan trọng nhất của bà với tư cách người vợ là sinh cho chồng một đứa con trai thừa tự.
Chồng bà xuất thân từ một gia đình địa chủ quyền thế. Là con trai cả của một thống đốc tỉnh ở Bắc Kỳ thuộc Pháp, ông Chương đã được ban cho mọi điều tốt đẹp nhất trần đời, từ một nền giáo dục Tây phương cho đến một cô dâu thuộc dòng dõi hoàng tộc. Dòng họ Trần của ông vốn có quan hệ họ hàng với nhà vua, thành ra ông Chương cũng là một người bà con xa với vợ ông.
Vị bác sĩ người Pháp hẳn đã cảm thấy áp lực ghê gớm để cứu lấy cái hình hài tái nhợt cuối cùng đã lộ diện giữa một lớp màng nhầy nhụa huyết dịch. Đây là cơ hội để vị bác sĩ chứng tỏ bản thân - và sự vượt trội của nền y học Tây phương. Ông nắm chặt hai mắt cá chân của đứa bé và đét liên hồi vào cặp mông bé xíu cho đến khi những tiếng khóc đầu tiên bật ra.
Tiếng khóc ấy là lời chào đầu tiên của đứa bé sơ sinh với thế giới. Đó là một bé gái.
Một người mẹ trẻ mười bốn tuổi như bà Chương đã làm gì với đứa con mới đẻ, một nhúm thịt với gương mặt đỏ hỏn, đang khóc toáng lên trong tay mình? Khi vừa mới chào đời, chẳng có mấy lý do để người ta tin rằng số phận của bà sẽ khác với hàng bao thế kỷ phụ nữ đi trước bà. Trong truyền thống Khổng giáo Á Đông, con trai được chờ đợi sẽ chăm sóc cha mẹ khi già yếu, và chỉ có con trai mới là quan trọng trong tập tục thờ cúng tổ tiên của người Việt. Tục ngữ Việt Nam truyền thống đã thâu tóm nỗi thất vọng của việc sinh con gái: “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô", hay “Một trăm con gái không bằng hòn dái con trai". Vào ngày cưới, người đàn ông đưa về gia đình một vật sở hữu quý giá hơn tất thảy: một cô con dâu, người sẽ chỉ được giải thoát khỏi vai trò người hầu thật sự của gia đình chồng, đặc biệt là mẹ anh ta, chỉ đến khi cô có con trai. Vòng luẩn quẩn cứ thế tiếp diễn.
Bà Trần Lệ Xuân (phải) và mẹ là bà Thân Thị Nam Trân. Ảnh tư liệu. |
Bà Chương vốn đã sinh một cô con gái rồi. Con đầu lòng của bà, Lệ Chi, chào đời không đầy hai năm trước đó, và bà Chương đã tự thuyết phục bản thân rằng đứa thứ hai này sẽ là con trai. Bà tin chắc điều đó đến mức đã mua về nhiều đồ chơi và quần áo của con trai.
Đứa con gái thứ hai này chỉ làm trì hoãn ngày tự do của bà Chương mà thôi. Cho đến khi sinh được con trai, bà là người thấp cổ bé họng nhất trong nấc thang thứ bậc của gia đình chồng. Hơn thế nữa, mẹ chồng bà đã đưa ra một vài lời đe dọa đáng ngại. Bà muốn con trai bà, ông Chương, lấy vợ lẽ nếu đứa thứ hai này không phải con trai. Ông Chương, suy cho cùng, là con trai trưởng của nhà họ Trần danh giá - ông nên tận dụng mọi cơ hội để truyền thừa sự vĩ đại của gia đình bằng huyết nhục của chính mình. Tục đa thê đã là một phần của truyền thống văn hóa ở Việt Nam trong nhiều thế kỷ. Một người phụ nữ chỉ biết sinh con gái, dù có là đứa con dâu trung thành hay không, cũng chẳng có mấy giá trị. Những thất bại nên được xóa sạch càng nhanh càng tốt.
Đó là một viễn cảnh buồn thảm đối với một phụ nữ mười bốn tuổi như bà Chương. Nếu chồng bà lấy vợ hai, và nếu người đó thành công ở nơi bà đã thất bại, là sinh cho gia đình chồng một đứa con trai, bà Chương và các con gái bà sẽ phải lấm la lấm lét sống phần đời còn lại trong sự phục tùng người khác. Chẳng bao lâu sau bà đã hạ quyết tâm rằng bà sẽ phải làm việc này thêm một lần - và lại một lần nữa - cho đến khi bà có con trai mà bà chờ đợi. Và đứa con trai người ta chờ đợi nơi bà.
Đứa con gái mới sinh được đặt tên là Lệ Xuân. Mặc dù bấy giờ không phải mùa xuân. Tháng Tám ở Hà Nội thường là thời gian bắt đầu vào thu, và năm đó cũng không là ngoại lệ. Có vẻ như những ngày đầu mùa thu đã thổi chút se lạnh vào thành phố, mang lại một không khí tươi mát sau những ngày hè dài oi bức. Những nhành liễu rủ chạm khẽ mặt hồ, mời gọi làn gió nhẹ khiêu vũ bồng bềnh trong những tán lá, và cư dân thành phố đổ ra ngoài trời thoáng đãng để tận hưởng mùa ôn hòa ngắn ngủi trước khi những cơn gió lạnh từ Trung Quốc tràn qua.
Bé Lệ Xuân và mẹ không được hưởng một phút giây nào của niềm hạnh phúc ấy. Truyền thống Việt Nam bắt trẻ sơ sinh và người mẹ phải gần như nằm liệt giường trong một căn phòng tối tăm, ít nhất ba tháng sau khi sinh. Căn phòng chẳng khác nào một cái kén dành cho người mẹ và em bé. Ngay cả những thói quen tắm táp cũng bị hạn chế. Phong tục này xuất phát từ những mối ưu tư thực tế liên quan đến những rủi ro tử vong của trẻ sơ sinh trong vùng châu thổ nhiệt đới, nhưng trên thực tế cái khung cảnh u ám sau khi sinh ắt hẳn khiến người ta ngộp thở. Ngoại trừ thầy lang và thầy bói là những nhân vật không thể thiếu, những vị khách thăm bà Chương được hạn chế trong số những thành viên thân thuộc nhất của gia đình.
Thầy bói của gia đình là một trong những người nhìn mặt em bé đầu tiên. Công việc của ông ta là đoán quyết vận mạng của bé bằng cách đối chiếu ngày sinh, mùa hoàng đạo, giờ sinh với vị trí của mặt trời và mặt trăng và không quên tính cả những ngôi sao chổi đang lướt qua. Một khả năng rất lớn là nhằm cổ vũ tinh thần của người mẹ đáng thương bị phong kín trong căn phòng tối ba tháng trời, cùng đứa con gái nhỏ mà bà không hề mong muốn, ông thầy đã thốt lên về số phận của đứa trẻ: "Thật là ngoài sức tưởng tượng!". Đứa bé, ông nói với bà Chương đang run lẩy bẩy, sẽ leo lên đến những đỉnh cao vời vợi. "Ngôi sao chiếu mệnh của nó không thể nào tốt hơn!” Bé gái sẽ lớn lên trong niềm tin vào vận mệnh của mình đồng thời với lời tiên tri xán lạn đã khiến mẹ cô ghen tỵ một cách sâu xa. Kết quả là một cuộc đời với những mối quan hệ mẹ con đầy căng thẳng và sự ngờ vực bất tận.
Còn tiếp...
(Trích sách Madam Nhu Trần Lệ Xuân - Quyền lực Bà Rồng)