Bà Chương theo lời kể của mọi người là một thiếu phụ trẻ đẹp mê hồn đến từ kinh đô Huế ở miền Trung Việt Nam. Hoàng đế Đồng Khánh, người trị vì trong thời gian ngắn ngủi từ 1885 đến 1889, là ông ngoại của bà. Một loạt những người anh em họ của bà đã thay nhau kế vị ngai vàng kể từ đó. Là một thành viên của hoàng tộc mở rộng, bà được coi là một công chúa, và bà là hiện thân của sự duyên dáng truyền thống với một ngoại lệ: khi mỉm cười, răng bà trắng sáng như ngọc trai. Bà đã chống lại hủ tục nhuộm đen răng bằng chất canxi oxit. Với những trưởng lão trong gia tộc, nụ cười trắng tinh của bà trông gớm ghiếc, như thể một chiếc miệng đầy xương. Những chiếc răng trắng và dài thuộc về những kẻ man rợ và dã thú; nhuộm đen chúng để né tránh những nỗi sợ hãi rằng một linh hồn tà ma đã lẩn lút đâu đó trong con người. Một cái miệng với hàm răng đen bóng là biểu hiện truyền thống của sự tao nhã và cái đẹp.
Nhưng với ông Chương, nụ cười trắng sáng rạng rỡ khiến cô dâu trẻ của ông là một hình ảnh hoàn hảo của người vợ hiện đại. Ông Chương đã quen với những thú vui Âu châu khi còn là một sinh viên du học; ông yêu thích thi ca, rượu vang Pháp, những bộ phim Tây phương, và xe mô tô. Quay lưng lại với truyền thống, bản thân ông Chương đã cắt phăng mái tóc dài cột thành búi và từ bỏ thói quen quấn quanh đầu chiếc khăn xếp tiêu biểu của những người đàn ông cùng giai cấp và trình độ như ông. Mái tóc dài là một lý tưởng theo Khổng giáo, giá trị lòng hiếu thảo được áp dụng cho thân thể, tóc, da, và tất cả những phần mở rộng của một cuộc sống được cha mẹ ban cho con cái. Nhưng những lề thói Tây phương đang lấn thế. Ông Chương là hiện thân của sự tiến bộ với mái tóc ngắn, trang phục, và tác phong của một luật sư làm việc với chính quyền thực dân. Như vậy, ông sẽ chẳng đời nào chấp nhận một cô gái răng đen về làm vợ mình.
Vợ chồng ông bà Trần Văn Chương và Nam Trân. Ảnh tư liệu. |
Đôi vợ chồng cưới nhau năm 1912. Năm sinh ghi trên bia mộ của bà Chương, và năm được ghi trong giấy báo tử năm 1986 ở Sở cảnh sát Metropolitan là 1910. Căn cứ theo đó thì bà chỉ mới hai tuổi vào thời điểm lấy chồng.
Những cô gái ở miền thôn quê được gả chồng vào độ tuổi rất bé, có lẽ mười ba hay mười bốn, không phải là chuyện lạ thường, nhưng hiếm có một cô dâu nào lại chỉ là đứa bé mới chập chững. Điều đó thậm chí càng khó có cơ sở khi xét đến sự kiện cả hai gia đình đều là những thế gia tinh anh; họ có khả năng để chờ đợi. Một cách giải thích hợp lý là ngày sinh của bà Chương đã được sửa đổi, cho phép bà ở trong một độ tuổi dễ dàng được yêu chiều ở Hoa Kỳ, tránh xa mọi kẻ có thể phản bác những gì bà kể lại.
Nhưng ở Việt Nam tuổi tác làm gia tăng uy tín. Người ta ắt không có lý do gì để cố làm ra vẻ trẻ trung cả. Có thể bà Chương thật sự là một cô dâu hai tuổi. Phải một thời gian rất lâu sau đám cưới, các anh họ trong hoàng tộc của bà mới bắt đầu có gia thất. Con gái đầu lòng của họ, Lệ Chi, ra đời gần một thập niên sau ngày cưới. Có lẽ cô dâu bé nhỏ cần thời gian để đạt đến độ tuổi thụ thai.
Ông Chương vẫn chỉ là một thiếu niên vào ngày cưới của mình. Ông sinh năm 1898, nghĩa là mới mười bốn tuổi khi cưới vợ. Ông Chương là con trai cả của Trần Văn Thông, một quan thống đốc tỉnh được trọng vọng ở Bắc Kỳ thuộc Pháp. Theo hồ sơ của ông trong thư khố thuộc địa Pháp, ông Chương đã rời khỏi Việt Nam lẫn cô vợ trẻ của ông không lâu sau lễ cưới. Ông đã đến Pháp và Bắc Phi để tiếp tục học tập.
Sự tính toán thời gian của chàng thiếu niên Chương thật không chê vào đâu được. Ông rời khỏi Đông Dương ngay trước khi Thế chiến thứ nhất nổ ra. Chỉ cần muộn thậm chí một năm việc rời đi sẽ là bất khả trong thời chiến. Những biến cố trên thế giới đã bức bách chàng thanh niên Chương sống xa quê nhà trong hơn mười năm. Ông đã có thể tận dụng những cơ hội giáo dục dễ dàng có được ở Âu châu nhưng chưa từng được nghe thấy với một người Việt Nam, ngay cả với vị thế xã hội của ông đi nữa. Ông Chương đã theo học các trường trung học ở Algiers, Montpellier, và Paris, nhận bằng tiến sĩ luật khoa năm 1922. Ông là người Việt Nam đầu tiên làm được điều đó.
Trong những năm ông Chương du học ngoại quốc, sự căng thẳng đã leo thang ở Việt Nam thuộc địa. Chính quyền Pháp đã bắt đầu tuyển mộ “tình nguyện quân” người Việt bản địa cho chiến trường Âu châu, buộc hàng ngàn nông dân và công nhân bị bần cùng hóa đi khám quân dịch. Người Pháp đã mau chóng nghiền nát mọi dấu hiệu của sự dấy loạn hoặc phản kháng và đã “lật ngược” cả miền nông thôn trong cuộc tìm kiếm những kẻ phản bội.
Người ta ngày càng lớn tiếng chê trách về những cơ hội giáo dục có thể tìm được ở Việt Nam. Trường trung học Pháp đầu tiên, và duy nhất trong một thời gian dài, Chasseloup-Laubat ở Sài Gòn, dành riêng cho các con trai của các nhà chức trách Âu châu. Nhưng cùng với cuộc chiến đang nổ ra khốc liệt ở Âu châu, sự thiếu hụt nhân lực đang ngày càng hiện ra rõ nét. Chế độ thực dân nhận ra nó cần tuyển mộ thêm nhiều người bản xứ được đào tạo tiếng Pháp vào ngành dân chính nếu nó hy vọng tồn tại. Niềm hy vọng ấy là việc truyền bá những tư tưởng Pháp giữa người Việt sẽ gắn kết người bản địa với mẫu quốc một cách mật thiết hơn. Tuy nhiên, kết quả thật trớ trêu: bằng việc giáo dục người Việt về những nguyên lý Tây phương, bao gồm những lý tưởng tự do và lịch sử nền Cộng hòa, những cuộc cải cách giáo dục đã góp phần khơi dậy một sự đòi hỏi quyền hành chính trị đã tỏ ra không thể nào dập tắt.
Khi ông Chương cuối cùng quay trở lại Việt Nam vào năm hai mươi bốn tuổi, những năm tháng học hành ở trời Tây của ông đã được đền đáp hậu hĩ. Ông được một suất học việc đầy triển vọng trong bộ máy tư pháp thực dân Pháp và được nhập quốc tịch Pháp vào ngày 16 tháng Chín năm 1924, không đầy một tháng sau khi con gái thứ hai của ông ra đời.
Không lâu sau khi bà Chương cùng con gái ra khỏi chiếc kén cô độc, bà Chương đã mang thai lần thứ ba và sau cùng trước sinh nhật thứ mười sáu. Năm 1925, bà hạ sinh đứa con trai như đã hằng hy vọng, Trần Văn Khiêm. Sự ra đời của một đứa con trai đã đặt dấu chấm hết cho những trách nhiệm sinh đẻ của bà. Nó cũng xác nhận vị trí thấp kém của Lệ Xuân trong gia đình.
Phần 1, còn tiếp...
(Trích sách Madam Nhu Trần Lệ Xuân - Quyền lực Bà Rồng)