- 10 năm lập nghiệp với chuyên ngành múa ở châu Âu, công việc hiện tại của anh ra sao?
- Dù đang hoạt động nghệ thuật tại châu Âu, những năm trở lại đây, tôi đều trở về hợp tác cùng các nghệ sĩ trong nước. Tôi tham gia một số dự án của các biên đạo nước ngoài, Việt kiều và lưu diễn nhiều nơi trên thế giới.
Mỗi chương trình đều làm tôi dồi dào hơn về cảm xúc và kỹ năng. Đó là chìa khóa cho tôi phát triển. Khi nào xách túi đi, tôi cũng tràn đầy năng lượng vì phía trước là công việc mới. Có lần tôi bay 18 giờ đồng hồ rồi đi thẳng tới sàn tập, tập với biên đạo tám giờ sau đó.
- Anh thấy mình được và mất những gì?
- Mười năm là một chặng đường dài với nhiều thay đổi, từ một diễn viên ballet tôi rẽ sang múa đương đại. Có nhiều phân vân trong chặng đường đó, nhiều câu hỏi và cũng nhiều biến chuyển trong tôi.
Tôi bị áp lực về việc lập gia đình. Trong khi các đồng nghiệp đã an cư, lạc nghiệp thì tôi vẫn một mình. Nhìn lại 10 năm trước khi tôi diễn trích đoạn ballet Giselle với nghệ sĩ Tố Như tại Nhà hát TP HCM mà tôi vừa vui vừa thấy khác. Vui vì tôi đã thực hiện xong những điều được học ở trường, thấy khác vì mình đã rẽ sang hướng mới để được là chính mình.
Ngọc Khải biểu diễn cùng các nghệ sĩ múa tại Đức hôm 19/2. Với Khải, múa là bức tranh chuyển động, là hình ảnh được sử dụng bằng cơ thể. Diễn viên đưa khán giả vào câu chuyện của mình và hai bên cùng có cảm xúc. Ảnh: Volker Beinhorn. |
- Cuối năm 2015, anh thành công với show nghệ thuật "Nón" ở châu Âu. Vì sao anh chọn hình ảnh chiếc nón lá cho chương trình của mình?
- Show nghệ thuật Nón kết hợp giữa múa đương đại với âm nhạc dân tộc. Lúc đầu xây dựng tác phẩm, tôi chưa chọn nón mà nghĩ nhiều về hình ảnh bánh chưng - bánh dày. Khi làm việc ở xứ người, lúc nào chúng tôi cũng nhớ về những điều giản dị như hai loại bánh quen thuộc của người Việt. Đó là sự kết hợp tinh hoa của đất, sức lao động của con người, là sự hòa hợp âm dương. Nhưng sau thời gian thảo luận với đồng nghiệp, tôi chọn tên Nón vì nó bao hàm đủ nấc thang mà người Việt mình muốn chạm tới.
Từng vòng tròn của nan nón như hướng tới điều tốt đẹp hơn. Với tôi, đỉnh cao của chóp nón là điểm chạm của tình yêu, nơi mà mọi người mong muốn sở hữu. Tôi cũng quyết định giữ tên tiếng Việt dù tác phẩm biểu diễn ở nước ngoài.
Khán giả thích Nón bởi nó gìn giữ văn hóa dân tộc bằng ngôn ngữ đương đại. Ban tổ chức đã ngỏ lời mời biểu diễn tác phẩm kế tiếp của tôi khi nào hoàn thành. Điều đó khiến tôi cảm kích.Việc trình diễn trước gần 300 khán giả là các bộ trưởng các nước châu Âu và những vị khách quý của bộ ngoại giao Luxembourg là niềm tự hào của ê-kíp.
Nghệ sĩ múa Ngọc Khải. |
- Từ ý tưởng nào anh quyết định kết hợp múa đương đại ứng tác với nhạc sống ở show "Nón"?
- Phần âm nhạc của Nón do nhạc sĩ Ngô Hồng Quang đảm nhiệm. Lý do chọn nhạc sống là bởi âm nhạc luôn đưa tôi tới một nơi khác, một nơi có nhiều hình ảnh phong phú và đẹp. Khi múa kết hợp với nhạc sống thì hai yếu tố đó sẽ thật lên rất nhiều.
Khi tôi trình bày ý tưởng và không gian múa mình mong muốn, nhạc sĩ tạo ra không gian ấy bằng âm nhạc. Giống như có một chiếc hộp giấy, chỉ tôi và nhạc sĩ chui vào. Thời gian đầu nhạc sĩ Ngô Hồng Quang chọn nhạc cụ để chơi trong các phần, rồi chúng tôi đổi chỗ cho nhau. Sau khi ăn khớp, chúng tôi bắt đầu chỉnh sửa cho thật nhịp nhàng giữa múa và âm nhạc. Chúng tôi ăn khớp với nhau và rất vui khi được cùng xây dựng không gian Nón cho khán giả thưởng thức.
- Anh gặp khó khăn gì khi vừa là nhà sản xuất, vừa biên đạo và là nghệ sĩ biểu diễn?
- Đây là lần đầu tôi làm sản xuất và sáng tạo cùng lúc. Công việc có nhiều thách thức bởi sản xuất thường đối chiều với sáng tạo. Tôi phải phân lịch cụ thể và chi tiết cho từng hạng mục cần làm ba tháng trước khi công diễn. Tôi làm việc với từng ê-kíp về đạo cụ, sân khấu, ánh sáng, phục trang và thiết kế đồ họa, cũng như tôn trọng sự sáng tạo của các bên mà vẫn phải đảm bảo được mốc thời gian đặt ra cho tiến độ công việc. Thật thú vị khi được trải nghiệm cảm giác của người nghệ sĩ được bay bổng trong sự sáng tạo nhưng vẫn biết "hạ cánh" ngay khi cần. Để được như vậy, chúng tôi luôn giữ tinh thần kỷ luật cao.
Ngọc Khải (đứng) và Ngô Hồng Quang (ngồi) trong vở "Nón" trình diễn tháng 12/2015. Ảnh: Đại Ngô. |
- Nghệ sĩ múa quốc tế nào anh yêu thích nhất?
- Ngày trước khi còn là nghệ sĩ ballet tôi rất thích diễn viên Mikhail Baryshnikow, Natalia Makarova... Bây giờ tôi thích các công ty múa đương đại vì tôi mê mẩn công việc của họ, còn cá nhân thì mỗi diễn viên đương đại có những điều thú vị riêng.
- Dự định của anh trong năm 2016?
- Đây sẽ là một năm tôi biểu diễn kín lịch và dành cho sáng tạo. Hiện tại tôi làm việc tại Nhà hát Staatstheater Braunschweig, Đức. Nón sẽ diễn tại TP HCM vào tháng 7 tới và một số nước châu Á. Trong năm nay, tôi cũng tiếp tục xây dựng tác phẩm mới để biểu diễn vào 2017. Cũng như Nón, tác phẩm mới luôn mang hơi thở Việt Nam. Đồng thời, tôi đang dàn dựng phim múa cùng nghệ sĩ Joshua Haines người Mỹ và có một dự án cùng nghệ sĩ Wessel Oostrum người Hà Lan.
Biên đạo, nghệ sĩ múa Vũ Ngọc Khải sinh năm 1985 tại Hà Nội. Năm 2004, anh tốt nghiệp Cao đẳng Múa Việt Nam hệ 7 năm. Năm 2006: Tổng lãnh sự quán Hà Lan trao cho anh một suất học bổng toàn phần về nâng cao trình độ diễn viên tại Học viện múa Rotterdam - Hà Lan. Ngọc Khải từng làm việc với nhiều công ty và nhà hát tại Việt Nam, Hà Lan, Đức, Thụy Sĩ, Italy và hiện tu nghiệp tại châu Âu. Hàng năm anh vẫn trở về cùng hợp tác với đồng nghiệp biểu diễn và biên đạo trong các vở múa đương đại như: Chuyện kể những chiếc giày, Mộc, Sương Sớm, Tích Tắc, Ta đã ở đó, Tơ... |
Hạnh Nguyênthực hiện